Tác giả:

MŨ NÂU 11


















































Ba mươi sáu năm đã trôi qua, từ dạo tháng tư đau buồn ấy.

Thời gian hầu như bào mòn sức lực bao lớp người trẻ tuổi trưởng thành trong ba thập niên năm mươi, sáu mươi và bẩy mươi của thế kỷ trước.

Thời gian cũng nhuộm trắng những mái đầu xanh với bao hoài bão, ưóc mơ cao vời.

Và thời gian cũng đã làm nhạt nhòa những tia mắt rực sáng niềm tin yêu, tràn đầy nhựa sống.

Nhưng có một điều mà đến nay thời gian vẫn hoàn toàn bất lực đó là xóa mờ nỗi đau trong lòng những người dân miền Nam nói chung và những người đã một thời cầm súng bảo vệ quê hương nói riêng, mỗi độ tháng tư về.

Nỗi đau ấy được thể hiện bằng những hoạt động như biểu tình, tưởng niệm, truy điệu,thắp nến,v.v...

Và diễn đạt qua thơ văn...

Ba mưoi sáu năm nay, từ những người đã lưu vong , đến người còn trong nước, không biết bao nhiêu bài thơ, bao nhiêu áng văn đã được viết ra.

Từ những người viết văn chuyên nghiệp đến những nhà thơ tài tử, cả những người suốt đời chưa bao giờ cầm bút, cũng sẵn sàng tham gia để trút cạn nỗi lòng trên trang giấy qua nhiều hình thức.

Nếu làm một cuộc thống kê thì có lẽ nguồn văn chương viết về ngày quốc hận tháng tư sẽ là một chủ đế có số lượng người tham gia đông đảo nhất và đa dạng nhất trong nền văn học nước nhà.

Làm sao kể hết những truyện dài, truyện ngắn, tùy bút, hồi ký, tự truyện, tản văn, phiếm luận.v.v... và v.v… Nhưng số lượng đồ sộ nhất có lẽ là thơ.

Như một ai đó đã nhận định: “Mỗi người Việt Nam là một thi sĩ” quả không ngoa.

Chỉ cần vài ba câu với cách kết hợp vần điệu đã quá quen thuộc trong ca dao tục ngữ, người viết đã phần nào nói lên được cảm xúc của mình.

Và thơ thì thiên hình vạn trạng, chất chứa đầy cảm xúc.

Mỗi bài thơ mang một tâm tư.

Như những lời thơ xé lòng của thi sĩ Võ Ngô khiến người đọc ngậm ngùi qua bài Tháng Tư Đen:

Ba sáu năm trời quê hương oan nghiệt.
Ba sáu năm đất rỉ máu chia lìa.
Ba sáu năm cộng sản vẫn còn kia.
Ba sáu năm người dân luôn khốn khó.

Phải, ba mươi sáu năm, nỗi đau đó hành hạ Con Hồng Cháu Lạc từng phút từng giây. Không phải chỉ những người dân khốn khổ dưới cùm gông của người cộng sản mới phải chịu đựng. Mà những người đã ra ngoài vòng cương tỏa của bạo quyền cũng xót xa ngày đêm, như nhà thơ Dương Thượng Trúc đã thổn thức qua bài Tháng Tư Tổ Quốc Phủ Màu Tang:

Tháng tư Tổ Quốc phủ màu tang.
Dân tộc đau thương oán hận tràn.
Tủi phận nam nhi đời lữ thứ.
Hướng về quê mẹ lệ chứa chan...

Họ hướng về quê hương với những nhớ nhung vời vợi, nhớ về một thành phố đã mất tên, nơi ấy họ đã trải qua tuổi hoa niên đầy ắp mộng mơ, hoài bão. Mà những áng thơ của Lưu thái Dzo đã nói lên qua bài Viết Tên Sàigòn:

Sàigòn em có sướng vui không?
Trước cảnh đầu xanh, lứa tuổi hồng.
Đốt cháy tương lai bằng sống vội.
Yêu cuồng trong vũng lội tình ngông.

Mang chung tâm trạng lưu vong, Túy Hà mượn điển tích từ hai câu thơ cổ Hồ Mã Tê Bắc phong Việt điểu sào Nam chi để nói lên nỗi lòng kẻ xa xứ và cũng thể hiện cái hào khí của người trai một thời vùng vẫy qua bài “Ngựa Hồ Gió Bắc Quảng Trị ta”:

Hiền Lương Bến Hải làn ranh
Đôi bờ thương hận cũng đành sang sông.
Đổi đời, đất lạ mênh mông
Lạc đàn tôi vẫn bắc phong ngựa hồ.

Tháng tư, tháng năm hay tháng nào đi nữa thì cũng chỉ là con số x ác định thời gian trôi trong chu kỳ 365 ngày xoay chuyển của đất trời.

Nhưng kể từ khi vận nước nổi trôi thì Tháng Tư đã để lại một vết thương nhức nhối trong lòng người Việt Quốc Gia chẳng biết đến bao giờ mới lành miệng.

Nhà thơ Khiếu Như Long đã trút cạn tâm sự cùng các chiến hữu với bài "Tháng Tư Uất Hận":

Tháng Tư mình mất cuộc đời
Ngày buông tay súng chơi vơi hận cuồng
Trời quê hương chợt nhuốm buồn
Một đời chinh chiến hào truông biên thùy.

Lê Khắc Anh Hào diễn tả tâm trạng của người một thời cầm súng, đứng trước sự biến động vô cùng kinh hoàng đã có những quyết định trái ngược nhau, với bài "Tháng Tư Buồn, Rồi Lại Thángg Tư Buồn" :

“Tháng Tư bẻ súng lần ra biển
Có kẻ âm thầm vô Trường Sơn
Ra đi là chết đời cung tiễn
Ai biết rừng sâu kẻ ngậm hờn!”

Thy Lan Thảo, một trong những người thơ có nhiều bài nói về tháng tư và nỗi đau khôn nguôi, bày tỏ cảm xúc với “Tâm Ý Tháng Tư”:

Tháng tư buông súng tuổi còn xuân
Nước mắt hoen mi ướt thấm dần
Cả một đọan đường đầy gian nhục
Hận thù hứng chịu nặng quằn thân !

Nhà thơ Trúc Lâm, trong bài "Soi Bóng" vẽ nên hình tượng những chinh phụ ngày xưa, nay trở thành "tù phụ", khi người chiến sĩ oai dũng thuở nào vác hành lý đi vào địa ngục trần gian.

Ba mươi tháng Tư mưa bão trĩu vai
Đè nặng lên tâm hồn người em gái
Em vẫn đó dáng trang đài.. héo hắt
Soi bóng mình quặn thắt dõi chinh nhân.

Chẳng phải chỉ "dáng em trang đài héo hắt", mà cả đất trời, cả dân tộc cũng chìm đắm trong nỗi đắng cay ngậm ngùi như tiếng thở than của Huy Văn trong "Mủa Kiếp Nạn":

30-4! Lại buồn thân vong quốc
Bồi hồi dâng những đồng vọng mông lung
Tiếng hoài âm hay sông núi ngàn trùng
Đang thổn thức trên từng dòng hận sử?

Mang cái hào khí của tráng sĩ một đi không trở lại, nhưng chí chưa thành danh chưa toại, đã phải mang thân lưu lạc nơi xứ người. Nhìn trời nước mênh mông mà chạnh lòng nhớ về đất mẹ. Và tự hỏi lòng còn có ngày sang sông Dịch hay chăng! Là tâm sự Xuân Du được thổ lộ trong “Như Qua Sông Dịch”:

Ta bỏ đi giữa trời mưa gió.
Từng giọt rơi buồn trên bến sông.
Như tráng sĩ một lần qua Dịch Thủy.
Biết có còn trở lại hay không?

Nhà thơ Không Quân Phạm Tương Như, trên bước đường luân lạc, nghĩ mình như làn mây trắng, vẩn vơ lơ lững trôi trong gió chiều ủ rũ.

Đò đã xuôi dòng sông cũ, để lại những ngậm ngùi cho dấu vết kỷ niệm ngày xưa cũng đã chết dần theo năm tháng. Phố thị cũ mờ phai trong ký ức mỏi mòn. Đó cũng chính là khổ thơ kết của bài“Nỗi lòng Người Đi”:

Ta như mây trắng lững lờ trôi.
Vẫy tay chào gió tiếng không lời.
Đò đưa xuôi sóng dòng sông cũ.
Phố thị ngày xưa ngỡ chết rồi.

Nói về văn chương, nhất là nguồn thơ qua chủ đề Tháng Tư Đen chẳng khác nào chúng ta chơi vơi giữa đại dương mênh mông với trăm ngàn cơn sóng dữ.

Những cơn sóng mà một ngày nào đó sẽ phủ trùm lên và cuốn trôi đi cái chế độ nghiệt ngã đã đọa đầy dân tộc chúng ta hơn nửa thế kỷ qua.

Xin cám ơn tất cả các thi sĩ, các người thơ đã góp tay làm nên cơn sóng này.

Những tâm tư khắc khoải, những đau đớn ê chề, những hoài vọng thiết tha và những ước mơ giản dị của tất cả những người yêu chuộng tự do, yêu chuộng công bình bác ái được viết thànhh thơ sẽ để lại những chứng tích hiệu quả nhất cho lịch sử về tội ác của người cộng sản đối với Dân Tộc và Tổ Quốc.

Xin mượn những dòng lục bát sắt son của nữ sĩ Đoan Khánh từ bài "Mùa Hè Trong Tôi” để chia sẻ những xúc cảm về mùa Quốc Nạn năm nay:

75 dậy sóng tơi bời
Vùng kinh tế mới “đổi đời” dân ngoan
Ai sinh lắm kẻ bạo tàn?
“Cha già dân tộc” đầu đàn lũ con
Hè còn Phượng đỏ sắt son
Dòng máu Lạc Việt mãi còn luân lưu.



Mũ Nâu 11

Thủy Gia Trang - Mùa Quốc Hận 2011














Free Web Template Provided by A Free Web Template.com